Cùng với cả nước từ ngày 1/7 -15/8, tỉnh Hà Giang cũng đã huy động tổng lực thực hiện Cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2024 (Cuộc điều tra 53 DTTS). Để tìm hiểu thêm về ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc điều tra đối với sự phát triển của tỉnh Hà Giang, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Nghĩa, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang.

 

Ông Trần Đức Nghĩa, Phó Trưởng Ban Dân tộc Tỉnh Hà Giang

Thưa ông, nhìn lại kết quả từ hai cuộc điều tra thu, thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2015 và lần thứ hai là 2019 đến nay, đã tác động như thế nào đối với lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang?

Cuộc điều tra lần thứ nhất được tiến hành từ ngày 1/8 đến 31/8/2015. Đặc biệt là lần thứ hai từ 01/10/2019 đến 31/10/2019. Kết quả cuộc điều tra lần thứ 2, đã cho được nguồn số liệu tin cậy, khoa học để Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc xây dựng và trình Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, cung cấp thông tin, dữ liệu để các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các ban, bộ, ngành và Ủy ban Dân tộc tham mưu xây dựng hàng loạt chính sách góp phần phát triển đất nước, đặc biệt là phát triển vùng đồng bào DTTS.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 19 dân tộc cùng sinh sống. Tính đến 31/12/2023, toàn tỉnh Hà Giang có 912.960 người, trong đó có 800.052 người là đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 87,63%.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Thị Hà (người đầu tiên); Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long cùng Đoàn công tác tham gia Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2024 tại tỉnh Hà Giang trong Lễ ra quân ngày 01/7/2024

Từ những chính sách được ban hành, trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2021 trở lại đây, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, tình hình kinh tế - xã hội và đời sống vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ổn định và từng bước phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đã đề ra. 

Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; tỷ lệ hộ dân người DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 96,13%; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4%/năm. 

Công tác giáo dục và đào tạo từng bước được đổi mới; y tế, chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân dần được nâng cao về chất lượng; các hoạt động văn hoá truyền thống của dân tộc, các Lễ hội văn hoá của tỉnh diễn ra sôi nổi, thu hút khách du lịch đến với Hà Giang; phong tục tập quán lạc hậu dần được cải tiến, xóa bỏ. Khối đại đoàn kết toàn dân được duy trì; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của tỉnh được giữ vững...

Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cùng chính quyền địa phương thăm hỏi, chúc mừng gia đình được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở theo nguồn vốn Chương trình MTQG trên địa bàn thôn Cóc Rế, xã Nàng Đôn, huyện Hoàng Su Phì

Công tác dân tộc và các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước triển khai trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Trọng tâm là 3 Chương trình MTQG, nhất là Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) đã kịp thời bổ sung nguồn lực cho tỉnh để giải quyết các nhu cầu thiết yếu trong đời sống Nhân dân và thực hiện nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở hết sức quan tâm chỉ đạo, vào cuộc, người dân nhiệt tình tham gia, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Từ kết quả đã đạt được cho thấy, cuộc điều tra, thu thập thông tin 53 DTTS đúng tiến độ, dữ liệu thông tin thu thập chính xác có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Xin ông cho biết, những khó khăn, thuận lợi trong quá trình điều tra 53 DTTS năm 2024  tại tỉnh Hà Giang?

Trong quá trình điều tra, thu  thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS tại tỉnh Hà Giang, Cục Thống kê tỉnh Hà Giang và Ban Dân tộc tỉnh là hai đơn vị phối hợp thực hiện đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Cuộc điều tra trên địa bàn. 

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã tích cực chủ động phối hợp, tham gia xây dựng kỹ lưỡng công tác chuẩn bị và thực hiện nghiêm túc các phương án, nội dung của Cuộc điều tra như: Tuyên truyền, phân công cán bộ tham gia làm Giám sát viên, Tổ trưởng, Điều tra viên. Lực lượng Tổ trưởng, Điều tra viên được lựa chọn đa phần là công chức, bán chuyên trách xã, có trình độ, sức khỏe, nhiệt tình, thông thuộc địa bàn, an ninh của khu vực; hiểu rõ phong tục tập quán và đã từng tham gia nhiều Cuộc điều tra của ngành Thống kê trước đây.

Toàn tỉnh Hà Giang có 686 địa bàn điều tra, trong đó, 140 địa bàn điều tra toàn bộ; 350 địa bàn điều tra 30 hộ và 196 địa bàn điều tra 40 hộ.

Tuy nhiên, đối với tỉnh biên giới vùng cao như Hà Giang, nên địa phương gặp không ít khó khăn như toàn tỉnh có 686 địa bàn điều tra, trong đó, 140 địa bàn điều tra toàn bộ; 350 địa bàn điều tra 30 hộ và 196 địa bàn điều tra 40 hộ, thì đa phần địa bàn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt nên khoảng cách giữa các hộ điều tra xa nhau.

Kỳ điều tra lại diễn ra vào mùa mưa nên việc đi lại của các lực lượng tham gia Cuộc điều tra gặp khó khăn. Các chỉ tiêu trong phiếu nhiều (114 câu hỏi đối với phiếu hộ), trình độ dân trí giữa các khu vực trong tỉnh không đồng đều, nhiều địa bàn các hộ dân không nói được tiếng phổ thông, phải sử dụng đến người phiên dịch nên phần nào cũng ảnh hưởng tới chất lượng Cuộc điều tra.

Hơn nữa, việc tìm người phiên dịch có trình độ, hiểu được các nội dung câu hỏi của phiếu điều tra cũng rất khó khăn nên công tác thu thập thông tin tại hộ mất nhiều thời gian hơn. Nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa không có sóng điện thoại nên việc lấy GPS theo yêu cầu của phiếu điều tra không thực hiện được. Khoảng cách từ trung tâm xã (nơi có mạng internet, 3G, 4G) tới địa bàn điều tra xa, mỗi khi muốn đồng bộ dữ liệu, Điều tra viên phải di chuyển từ địa bàn về trung tâm xã mới đồng bộ dữ liệu điều tra được.

Với những khó khăn như vậy, ngành Công tác dân tộc của tỉnh Hà Giang đã thực hiện những giải pháp nào để hoàn thành nhiệm vụ?

Trước khi điều tra, Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê tỉnh, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội tích cực thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Trong đó, phát huy tối đa vai trò của đội ngũ Người có uy tín, già làng, trưởng bản... tham gia cùng Điều tra viên để "đi từng ngõ, gõ từng nhà" thực hiện thu thập thông tin chính xác nhất.

Tổ điều tra của xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung cơ bản của Cuộc điều tra, đến các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là người dân thuộc địa bàn điều tra; đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan công tác dân tộc cấp huyện phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thống kê thực hiện thành công Cuộc điều tra.

Đồng thời, chỉ đạo UBND xã thuộc địa bàn điều tra tạo điều kiện thuận lợi cho Điều tra viên thực hiện phỏng vấn, khai thác, ghi chép thông tin đảm bảo đầy đủ số lượng và chất lượng thông tin của Cuộc điều tra.

Trong quá trình thực hiện điều tra, Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cũng đã chủ động phối hợp với các Chi cục Thống kê các huyện, thực hiện giám sát việc điều tra tại các địa bàn điều tra. Qua đó, chia sẻ khó khăn, đôn đốc lực lượng Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ.

Theo ông, Cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2024 này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng gì đối với địa phương?

Trong số 19 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 05 dân tộc thiểu số rất ít người (có số dân dưới 10.000 người) gồm: Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo, Cờ Lao. Do đó, kết quả Cuộc điều tra lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở để UBND tỉnh có cái nhìn tổng quan, chính xác hơn về dân số, nhà ở, hôn nhân, điều kiện kinh tế - xã hội… của những DTTS này; nắm được sự khác biệt giữa các nhóm DTTS trên địa bàn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, việc làm và mức sống, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả công tác dân tộc.

Đồng thời, kết quả thông tin thu thập từ Cuộc điều tra cũng là cơ sở để địa phương có kiến nghị đề xuất với Trung ương kịp thời, chính xác, đúng trọng tâm, trọng điểm trong quá trình triển khai các chính sách dân tộc, công tác dân tộc nói chung. Từ đó, đẩy nhanh hơn nữa quá trình “rút ngắn khoảng cách” giữa miền xuôi và miền ngược theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và mong muốn của chính quyền địa phương và đồng bào các DTTS nói chung trên địa bàn

Trân trọng cảm ơn ông!.

Tác giả: Vũ Mừng ( nguồn: baodantoc.vn)